Lê Quang Khang
Khi trồng và chăm sóc các cây cảnh Bonsai, điều làm các nghệ nhân tự hào nhất đó chính là tạo được một cây Bonsai có bộ rễ lật lạ, thật đẹp. Sẽ không ít người có suy nghĩ rằng, tại sao những cây cảnh bình thường như Mai, Sung, Sứ...sau khi qua đôi tay chăm sóc và uốn nắn của con người lại trở nên đẹp và có bộ rễ nổi hoàn hảo đến như vậy. Hôm nay Việt Nam Hương Sắc sẽ giới thiệu đến các bạn một số kỹ thuật tạo dựng các bộ rễ cho cây cảnh nghệ thuật của mình.
1. Kỹ thuật tạo bộ rễ gốc ban đâu:
Cây phôi cần cho rễ phát triển nhiều và nhanh nên phải trồng xuống đất hoặc vào chậu to. Đất trông phải tơi, mầu mỡ. Tốt nhất là đất phù sa trộn với đất bùn và phân ải hoặc phân vi sinh. Ngoài việc tưới nước thường xuyên giữ độ ẩm, cần chú ý chế độ chăm bón cho cây. Sau 6 tháng đến 1 năm đưa cây lên cắt bỏ các rễ thừa và cắt bớt các rễ quá dài rồi đem trồng để tạo các kiểu rễ nghệ thuật. Riêng những cây nhân giống bằng phương pháp vô tính, thời gian trồng đòi hỏi lâu hơn và phải trồng lại vài lần để chăm sóc tạo dựng bộ rễ ban đầu.
2. Trồng vừa ngập cổ rễ để tạo bộ rễ hình hoa thị:
Khi trồng cần nắn bộ rễ xòe đều xung quanh gốc rồi lấp đất vừa ngập cổ rễ. Sau một năm trở lên, dùng phương pháp rửa trôi tẩy bỏ một lớp đất đi, bộ rễ hình hoa thị sẽ lộ trên mặt đất.
3. Trồng sâu sau nâng gốc lên để tạo mâm rễ phân nhánh:
Cắt bớt một phần chiều dài của 4 -5 rễ phân bổ đều xung quanh gốc rồi trồng sâu. Sau 1 năm, trồng lại nâng gốc cao lên để vừa lộ mâm rễ phân nhánh.
4. Trồng nổi để tạo bộ rễ hình chân nơm:
Cắt sửa bộ rễ xong, không để bộ rễ tự nhiên xòe ngang mà dùng dây buộc rễ khum lại như hình nơm rồi mới trồng lại. Đầu tiên đổ một lớp đất vào đáy chậu sao cho khi đặt cây vào, gốc cây và 1/3 bộ rễ cao trên mặt chậu, lấp đất bằng miệng chậu, sau đó dùng vật liệu cứng quây cơi trên miệng chậu rồi đồ tiếp đất lấp chìm hết bộ rễ. Một năm sau bỏ vật liệu quây chắn, nhẹ nhàng moi hết phần đất nổi trên mặt chậu, dùng bơm nước sịt, rửa, bộ rễ hình chân nơm sạch sẽ phơi ra trên mặt đất.
5. Trồng chậu ống để tạo bộ rễ vặn xoán:
Dùng dây mềm và mau ải quấn nhiều vòng cho bộ rễ có hình tròn như bó củi lỏng rồi trồng vào chậu ống (chậu tròn có đường kính nhỏ nhưng sâu). Sau khỏang 6 tháng trở lên, đổ cây ra, bện bộ rễ vặn xoắn vào nhau sao cho ngoạn mục, rồi trồng lại sang chậu lá hoặc bể để phơi bộ rễ vặn xoắn nổi cao hẳn lên.
6. Trồng nghiêng để tạo bộ rễ lệch hướng:
Cây đã có bộ rễ gốc ban đầu, phía nào có nhiều rễ to hơn thì chọn để tạo bộ rễ lệch hướng cho các dáng xiêu, hoành, huyền. Trồng cây đổ về phía đối hướng với phía có nhiều rễ to, cần căn sửa bộ rẻ cho đẹp. Trong quá trình cắt sửa thân cành để tạo dáng, thế nếu cần có thể đưa cây lên một số lần để tạo dựng bộ rễ lệch hướng cho hợp lý.
* Lưu ý chung:
Dao, kéo phải thật sắc để cắt cho gọn, rễ mới sống và phát sinh nhanh. Nếu làm giập nát chỗ cắt, rễ thường bị thối. Trước khi cắt mỗi cây, dao kéo phải được hơ lữa. Sau khi cắt phải bôi vôi hoặc oxy già vào vết cắt ở cây để khử các mầm mống bệnh.
Phần rễ mới lộ ra khỏi đất phải che phủ bằng các vật liệu mềm như vải ẩm, rác mục ẩm, bèo tây... khoảng 10 ngày để các rễ này thích ứng với điều kiện mới, tránh cho lớp vỏ rễ phía trên khỏi bị hoại tử do ánh nắng và điều kiện sống ở trên mặt đất tác động.
7. Tạo môi trường để cây phát sinh hai loại rễ phụ:
Chỉ một số cây như sanh, si, đa, đề mới có rễ khí sinh. Đặt cây vào chỗ nào cả ngày không có ánh nắng, nếu dưới chậu cây lại là bể chứa nước hoặc là ao thì rất tốt. Bỏ khoảng 10 tháng không cắt sửa, mặc cho cây mọc um tùm, thiếu ánh sáng lại nhiều độ ẩm, nhất là phía dưới lại gần mặt nước, cây phun nhiều rễ phụ để tìm nước và ánh sáng. Ngoài ra, muốn rễ phụ phát tại điểm nào của thân, cành, ta có thể khoét tý vỏ cây rồi bôi các loại thuốc kích thích ra rễ như. IBA, NAA hoặc ABT nồng độ 2000-8000ppm, khộng dùng 2,4D, 2,5D vì nó chứa dioxin gây độc. Dùng vải ẩm quấn kín chỗ khoét vỏ. Vài ba tháng, cây phun rễ phụ, muốn rễ khí tiếp đất để biến thành thân phụ của cây thì nhử bằng ống nhựa hoặc treo chai nước rồi thả thấp dần. Khi đủ hai loại rễ khí sinh, một loại tiếp đất, một loại buông rủ thì đưa dần cây ra chỗ ánh nắng và cắt sửa cây để tạo hình nghệ thuật.
8. Tạo mâm rễ ưu thế thuộc về cây gieo hạt.
Ta đều biết bộ rễ lộ căn là một bộ phận quan trọng và độc đáo nhất của tất cả các loại hình cây cảnh nghệ thuật, đặc biệt là cây thế. Nếu tính sự kỳ công tạo dụng các bộ phận của một cây thì lớn nhất và lâu nhất là tạo mâm rễ, thứ hai là tao thân cây, thứ ba là tạo bông tán và thứ tư là tạo bộ lá, lộc. Mâm rễ tự nhiên là đẹp nhất, quá trình tạo hình đơn giản nhất, ưu thế số một thuộc về cây gieo hạt.
Cây gieo hạt bộ rễ phát vừa đủ và tỏa rất đều xung quanh gốc chứ không thành một bối như cây chiết cành. Cây lớn lên, bộ rễ lớn theo và luộn giữ tỷ lệ thuận, đường kính của rễ luôn bằng khoảng 1/4 trở lên đường kính thân cây. Trái lại cây chiết cành tạo được những rễ to, hợp lý như vậy rất lâu và rất khó. Cho nên những cây gieo hạt chỉ cần gia công đôi chút là bao giờ cũng có mâm rễ đạt tiêu chuẩn nghệ thuật. Mặt khác, cây gieo hạt thuận lợi cho ta cắt chuyền, uốn nắn, tạo dáng thế ngay từ đâu. Thứ nữa nhân giống kiểu này một lần có thể có hàng trăm, hàng ngàn cây, dành cho những nhà sản xuất lớn.
Các cây có hạt như bách tán, phi lao, tùng la hán, đa, đề, sung, duối, khế, cần thăng, bông nẻ, chân chim, cúc mốc, dành dành, lựu, mai tứ quý... ta nên nhân giống bằng phương pháp gieo hạt. Kỹ thuật gieo hạt như sau:
Chọn và xử lý hạt: Thả hạt vào chậu nước, khuấy đều, những hạt nổi lên là hạt lép hoặc hư hại nên vứt đi, những hạt chìm là hạt mẩy để gieo. Thông thường ngâm hạt trong nước qua một đêm, riêng những loại hạt vỏ dầy khó nẩy mầm cân ngâm nước "ba sôi, hai lạnh" rồi ủ ấm đến khi nứt nanh mới đem gieo.
Làm đất: Đất gieo thường là cát đen hoặc đất bột pha cát, không có phân, không có các loại côn trùng như kiến, mối, không có mầm mống sâu bệnh. Có thể đánh luống cao để gieo hoặc gieo vào chậu, khay gỗ. Yêu cầu phải thật thoát nước, phải có hệ thống che nắng to, mưa to và gió lớn.
Cách gieo: Đặt từng hạt lên lớp đất dày, cách nhau khoảng 5cm rồi phủ lên một lớp đất mịn hoặc cát dày 2cm. Sau đó tưới nước nhẹ nhàng, không để nước cuốn trôi đất, hạt. Tưới từ từ đến khi ướt đẫm đất mới được.
Chăm sóc: Mâm cây ló lên mặt đất là phải theo dõi sâu bệnh sát sao. Cây lên hết khỏi mặt đất, có lá sanh là cần tưới phân hoặc nước tiểu pha loãng. Thường xuyên giữ độ ẩm cho đất.
Ra hàng: Cây lên cao um tùm mới ra hàng, không nhổ mà dùng bay bẩy từng mảng đất cho rời từng cây ra, bộ rễ được bảo vệ hoàn toàn. Khi trồng cần sửa sang, uốn nắn bộ rễ cho đẹp và có ý thức tạo rễ cho các dáng cây. Ra hàng khoảng một năm là có thể bán cây phôi cấp 1 hoặc đưa vào quy trình tạo dựng cây phôi cấp 2 rồi cây thế.
9. Tạo mâm rễ từ cây chiết cành:
Bằng phương pháp trồng treo, ta đào một hố có kích thước khoảng 30 x 30 x 20cm rồi lấy gạch mỏng, ngói màn hoặc vỏ bao xi măng nhựa quây kín chu vi hố. Sau đó đặt bồng chiết sao cho 1|3 bồng chiết nổi lên mặt hố. Dùng đất nhỏ đổ dần, trình nhẹ tới khi đầy hố ta lại dùng gạch quây tiếp phần nổi lên và lấy xỉ than hoặc vấn mục lấp kín cả bồng chiết. Cuối cùng đóng 3 cọc buộc định vị cành chiết, chống gió lay.
Nhờ cách trồng này rễ được phát triển tự do ở các lớp đất, chống được các tác động ngoại lực, ủng thối, rễ đều, rễ khỏe, rễ ra tới thành hố đều bị ngăn quay trở lại tạo ra mâm rễ. Sau một năm cây trưởng thành, ta có thể đưa cây lên một cách dễ dàng để cắt sửa và trồng, tiếp tục tạo dựng các kiểu rễ nghệ thuật. Tránh dào sâu chôn chặt, cây sẽ bị bó rễ không phát triển được.
Với những kỹ thuật mà Việt Nam Hương sắc chia sẻ ở trên, không quá khó và tốn nhiều công sức để chúng ta có thể tạo dựng được 1 cây cảnh nghệ thuật có bộ rễ đẹp theo ý mình. Chúc các bạn tạo dựng thành công bộ rễ cho cây cảnh nghệ thuật của mình.
Theo Tạp chí Việt Nam Hương sắc
Tin tức khác